BẤT ĐỘNG SẢN CÔNG NGHIỆP ĐANG ”TRỖI DẬY”

Bất động sản công nghiệp đang có những ”cú bật” mạnh mẽ nhờ sự dịch chuyển đầu tư, dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Lê Quang Nhuận – đại diện Louis Land – cho biết, trong khoảng 2 năm qua, nhu cầu về bất động sản công nghiệp đang gia tăng mạnh mẽ. Nhu cầu của khách hàng tăng khoảng 60-70%. Nguyên nhân là thương chiến Mỹ – Trung đã khiến hàng loạt doanh nghiệp dịch chuyển và đến với Việt Nam.

“Chúng tôi cũng đang đầu tư cho bất động sản công nghiệp để đón đầu xu hướng dịch chuyển này. Hiện nay, chúng tôi đang đầu tư tại một KCN nằm tại xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân và một khu công nghiệp tại thị xã Lagi (tỉnh Bình Thuận)” – ông Nhuận nói.

Theo ông Nhuận, lý do doanh nghiệp chọn tỉnh Bình Thuận để đầu tư bất động sản công nghiệp là do khoảng cách từ Bình Thuận đến các cảng lớn ở TP.HCM chỉ từ 100 – 120km. Đây là khoảng cách không quá xa và thuận tiện cho các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa để đưa đi xuất khẩu.

Cũng theo ông Nhuận, hiện nay, giá bất động sản công nghiệp tại Bình Thuận dao động từ 30 – 35 USD/m2 (thời hạn thuê 50 năm). Trong khi đó, cách đây 2 năm, giá thuê chỉ từ 20 – 25 USD/m2. Như vậy, sau 2 năm, giá bất động sản công nghiệp tại Bình Thuận đã tăng từ 40 – 50%.

Bà Lê Thu Sương – đại diện một doanh nghiệp chuyên chế biến gỗ tại TP.HCM – cho biết, công ty bà đang tìm kiếm quỹ đất để làm nhà xưởng tại tỉnh Đồng Nai hoặc tỉnh Bình Thuận do giá thuê tại những địa phương này còn khá rẻ.

“Khoảng cách từ Đồng Nai, Bình Thuận đến TP.HCM là không xa, cộng với giá thuê đất, thuê nhà xưởng còn rẻ nên chúng tôi quyết định sẽ chọn một trong hai nơi này để đầu tư xưởng sản xuất, chế biến gỗ để xuất khẩu”, bà Sương nói.


Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu đang là những địa phương có sự phát triển
mạnh mẽ về bất động sảncông nghiệp nhờ quỹ đất lớn, giá thuê còn rẻ

Đại diện KCN Vsip tại tỉnh Bình Dương chia sẻ, các dự án của đơn vị này đang thu hút gần 600 nhà đầu tư đến từ hơn 22 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư trên 8,2 tỷ USD, tạo ra 150.000 việc làm cho người lao động.

Ngoài tỉnh Bình Dương, đơn vị nói trên vẫn đang phát triển thêm10 dự án với tổng quỹ đất khoảng 10.000 hecta đất công nghiệp, đô thị và dịch vụ. Các dự án này nằm tại các tỉnh như Bình Định, Quảng Ngãi, Hải Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nghệ An… Đơn vị này cũng đang tiếp tục nghiên cứu tiềm năng của bất động sản công nghiệp tại Quảng Trị, Long An, Bình Thuận để phát triển thêm các dự án mới, đáp ứng nhu cầu tăng cao như hiện nay.

Theo chuyên gia Nguyễn Hoàng đến từ DKRA Vietnam, thế giới đang có sự dịch chuyển đầu tư, dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu một cách mạnh mẽ và Việt Nam đang là điểm đến ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, bất động sản công nghiệp đang đứng trước những cơ hội rất lớn.

“Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam có xu hướng tích cực từ năm 2019 trở về trước đã tác động đến bất động sản công nghiệp, làm cho phân khúc này phát triển mạnh trong khoảng 3 – 4 năm qua. Theo quan sát của chúng tôi, mức giá thuê đất trung bình tại các KCN đầu năm 2021 đã tăng khoảng 15 – 20% so với năm 2020. Tính trung bình so với 3 năm trước (năm 2018) tăng khoảng 30 – 40% và tỉ lệ lấp đầy trung bình tại các KCN hiện nay cũng rất cao” – ông Hoàng nói.


Chuyên gia bất động sản Nguyễn Hoàng, đại diện DKRA Vietnam

Cũng theo ông Hoàng, dòng vốn FDI đang “chảy” vào Việt Nam rất tích cực, dù cho kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Những tập đoàn lớn nổi tiếng trên thế giới đang được ví như “chú ong chúa” – kéo theo các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ khác.

Chuyên gia Nguyễn Hoàng nhận định, trong những năm qua, sức cạnh tranh của các tỉnh phía Nam nói chung và vùng Đông Nam Bộ nói riêng đang kém hấp dẫn hơn so với khu vực phía Bắc. Nguyên nhân là do hạ tầng giao thông vẫn còn dang dở, chưa hoàn thành. Nhiều dự án chưa được đầu tư mới để tăng tính kết nối vùng.

Tuy nhiên, 2 dự án quan trọng là Cảng hàng không quốc tế Long Thành mới được khởi công và Cảng nước sâu Cái Mép được đầu tư xây dựng sẽ kéo theo sự phát triển sôi động của các KCN và lĩnh vực phụ trợ như vận tải, logistic cho các tỉnh xung quanh TP.HCM như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Long An, Bình Dương.

“Sắp tới, các dự án hạ tầng giao thông khu vực phía Nam như đường Vành đai 3, Vành đai 4, tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành, các tuyến cao tốc Sài Gòn – Long Thành, Dầu Giây – Phan Thiết được hoàn thành, mở rộng. Các tuyến cao tốc mới được đầu tư như Biên Hòa – Vũng Tàu, TP.HCM – Chơn Thành… sẽ là những yếu tố thúc đẩy phát triển kinh tế” – ông Hoàng chia sẻ.

Theo chuyên gia Nguyễn Hoàng, các yếu tố nói trên sẽ tác động trực tiếp đến các phân khúc bất động sản công nghiệp, logistic và bất động sản nhà ở.

Hiện nay, TP.HCM không còn nhiều quỹ đất để thành lập thêm nhiều KCN. Ngoài ra, chủ trương phát triển cơ cấu kinh tế của TP.HCM là tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ, tài chính và chuyển dần các cơ sở sản xuất, nhà máy ra các KCN của các tỉnh lân cận.

Các tỉnh lân cận TP.HCM đang tận dụng cơ hội để chuẩn bị cho những dự án bất động sản công nghiệp trong thời gian tới. Đây là tiềm năng phát triển mạnh mẽ cho bất động sản công nghiệp của các tỉnh này.

Nguồn: Dân Trí